Cháo mực là món ăn bổ dưỡng và rất hợp khẩu vị trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải mẹ đảm nào cũng biết cách chế biến sao cho cháo mực không bị tanh và đậm vị. Trong bài viết này sẽ mách bạn 7 cách nấu cháo mực cho bé kết hợp với các loại rau củ có sẵn trong gian bếp. Tham khảo ngay nhé!
1. Giải đáp: Mực nấu cháo với rau gì cho bé ăn ngon, dễ hấp thu
Để nấu cháo mực cho bé có hương vị thơm ngon và đa dạng, các mẹ có thể kết hợp chung với các loại rau củ khác nhau.
Có thể bạn quan tâm:
- Các món ngon với mực nguyên liệu đơn giản, bạn đã thử chưa?
- Ăn mực có tốt không? Những điều tối kỵ khi ăn mực?
- 2 cách chọn mực ngon tươi không phải ai cũng biết – mẹo hay!
1.1. Cà rốt
Cà rốt là loại thực phẩm rất tốt cho bé trong độ tuổi ăn dặm. Với thành phần chứa nhiều Vitamin A không chỉ tốt cho mắt mà còn hỗ trợ phòng ngừa táo bón thường gặp ở trẻ nhỏ.
1.2. Bí đỏ
Với hàm lượng dưỡng chất cao như giàu chất xơ, vitamin C, K, E, khoáng chất (sắt, đồng, kali, mangan,…) giúp bổ máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa và chống lại các vi khuẩn có hại. Ngoài ra, bí đỏ còn bổ sung Vitamin A cho mắt sáng hơn, cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trí não của trẻ.
1.3. Súp lơ xanh
Súp lơ xanh được đánh giá là “siêu” thực phẩm tốt cho trẻ nhỏ. Trong thành phần của súp lơ xanh chứa Vitamin A, C, K, vitamin nhóm B. Cùng với đó là Canxi, Axit Folic, Sắt, Omega-3, kẽm, đạm thực vật, đặc biệt là chất xơ. Mẹ có thể dùng súp lơ xanh để nấu cháo mực cho bé ngay từ những ngày đầu bé tập ăn dặm (7 tháng tuổi).
Nấu cháo mực cho bé đừng bỏ qua súp lơ xanh
1.4. Khoai lang
Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin A, E, canxi,… dồi dào cho bé. Khi dùng thực phẩm này nấu cháo mực không chỉ giúp bé mau lớn, hấp thu tốt, hệ tiêu hoá khoẻ mà còn phát triển não bộ và hệ thần kinh.
1.5. Cà chua
Giàu Vitamin A, C, K, B6, kali, folate, thiamine, magie, niacin, đồng, phốt pho, các chất chống oxy hoá,… giúp tăng khả năng miễn dịch, tốt cho mắt và xương.
1.6. Các loại rau ngọt
Chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất cần thiết đối với sự phát triển của bé.
Các loại rau ngọt như cải ngọt, rau ngót,… rất hợp để nấu cháo mực
2. Hướng dẫn cách nấu cháo mực cho bé cực bổ dưỡng
2.1. Cháo mực phô mai cho bé
Chuẩn bị nguyên liệu
- 40g gạo
- 20g mực
- 20g súp lơ
- ¼ củ hành tây
- Phô mai vừa đủ dùng
- Nước mắm, muối, dầu oliu
- Dụng cụ: Dao, tô, nồi, máy xay,…
Cách thực hiện
- Gạo vo sạch, ngâm khoảng 1 tiếng trước khi nấu.
- Mực sơ chế thật sạch, bỏ da, mắt, răng, nội tạng, băm nhỏ.
- Hành tây, súp lơ rửa sạch, thái nhỏ, ngâm qua nước muối.
- Chần sơ mực, hành tây và súp lơ rồi cho vào máy xay xay nhuyễn.
Nấu cháo
- Bắc nồi lên bếp, cho dầu oliu vào, rồi cho tiếp mực, hành tây vào khuấy đều, nêm gia vị cho vừa ăn.
- Đến các nguyên liệu chín, cho gạo vào đảo 2 – 3 phút rồi cho nước vào để ninh nhừ thành cháo.
- Khi cháo chín, cho súp lơ vào, đun đến khi cháo sôi trở lại.
- Tắt bếp, cho phô mai vào đảo đều trước khi cho bé ăn.
2.2. Cháo mực bí đỏ
Chuẩn bị nguyên liệu
- 10g mực tươi
- 20g bí đỏ
- 10g đậu xanh
- 1 nắm gạo tẻ
- Dầu oliu
- Gia vị, nước mắm, hành tím băm
- Dụng cụ: Dao, nồi, tô, thớt, xửng hấp,…
Cách thực hiện
- Ngâm đậu xanh 1 tiếng, rửa sạch.
- Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng vừa ăn.
- Bí đỏ và đậu xanh cho vào xửng hấp chín, dùng muỗng tán nhuyễn.
- Mực sơ chế sạch, bỏ mắt, răng, lột bỏ màng ngoài. Dùng dao sắc rạch bụng, bỏ nội tạng, rút xương sống. Rửa bằng rượu trắng, muối, nước sạch để khử mùi tanh.
- Băm nhuyễn mực, cho vào tô ướp với xíu nước mắm và hành tím băm nhuyễn.
Nấu cháo mực, bí đỏ, đậu xanh
- Gạo mang đi nấu cháo
- Khi cháo chín tới, cho bí đỏ và đậu xanh đã tán nhuyễn vào khuấy đều.
- Cháo sôi lại thì cho mực vào, khuấy nhẹ tay đến khi thấy mực chín, hòa quyện với cháo thì tắt bếp.
- Cho 1 thìa dầu oliu vào, nêm nếm ít gia vị để bé ăn ngon miệng hơn.
2.3. Cháo tôm mực cho bé
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột gạo hoặc gạo: 40g
- Tôm sú: 10g
- Mực ống: 10g
- Cà rốt: 10g
- Su su: 10g
- Gia vị: 1 muỗng cafe nhỏ (5ml) dầu ăn loại tốt như dầu dừa, dầu gan cá, dầu gấc, dầu oliu loại Virgin extra,…
- Chén nước vừa đủ (250ml)
- Dụng cụ: Dao, dao nạo, nồi, tô, thớt, máy xay,…
Cách thực hiện
Sơ chế nguyên liệu
- Tôm sú lột vỏ, bỏ đầu, chỉ lưng, rửa sạch và băm nhuyễn.
- Mực ống bỏ phần túi mật và lớp áo ngoài, làm sạch nội tạng và băm nhuyễn.
- Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
- Su su nạo vỏ, bỏ hạt, rửa sạch, băm nhỏ.
Làm sạch mực và sơ chế rau củ
- Cho tôm, mực vào nồi với 1/3 chén nước, đun lửa vừa. Dùng đũa khuấy đều để không bị vón cục khi nấu. Khi hỗn hợp chín, tắt bếp, mang đi xay nhuyễn.
- Cà rốt, su su đem hấp/ luộc chín rồi dùng muỗng tán nhuyễn.
- Cho gạo vào nồi với lượng nước vừa đủ nấu đến khi cháo nhuyễn.
- Cho tôm, mực, cà rốt, su su vào nồi cháo, khuấy đều tay để không bị khê hay vón cục. Đến khi cháo sôi thì tắt bếp, đổ ra bát tô.
- Thêm vào tô cháo một chút dầu ăn loại tốt và trộn đều.
2.4. Cháo mực rau ngọt cho bé
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mực tươi: 20g
- Rau cải/ rau ngót: 1 nắm nhỏ
- Cháo trắng: 1 chén
- Gia vị dành cho bé: Dầu ăn, nước mắm, hạt nêm,..
- Dụng cụ: Dao, nồi, tô, thớt,…
Cách thực hiện
- Mực bỏ mắt, răng, ruột, sơ chế sạch rồi đem băm nhỏ.
- Cho mực vào tô ướp với ít nước mắm (nếu bé chưa được 1 tuổi mẹ có thể bỏ qua bước ướp gia vị này).
- Rau rửa với nước muối loãng và nước sạch, để ráo. Đem rau băm nhuyễn/ xay nhuyễn.
- Phi thơm hành tím với dầu ăn, cho mực vào xào chín trên lửa lớn.
- Múc cháo trắng cho vào nồi, đun sôi. Cho rau và mực vào khuấy đều, hạ lửa nhỏ đun liu riu đến khi tất cả nguyên liệu chín mềm, tắt bếp.
2.5. Cháo mực cà chua cho bé
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mực tươi: 30g
- Cà chua: 1/2 quả
- Hành tây: 10g
- Cháo trắng: 1 chén
- Dầu ăn dành cho bé
- Gia vị
- Dụng cụ: Dao, nồi, tô, thớt,..
Cách thực hiện
- Mực sơ chế sạch sẽ, băm nhuyễn.
- Cà chua bóc vỏ, bỏ hạt, thái hạt lựu. Hành tây bóc vỏ, thái hạt lựu.
- Cho dầu ăn vào chảo, cho hành tây vào xào thơm rồi tiếp tục cho cà chua vào xào chín. Cho mực vào xào sơ qua.
- Cháo trắng cho vào nồi đun sôi, cho hỗn hợp vừa xào vào khuấy đều.
- Nêm nếm 1 chút gia vị, đun sôi lăn tăn vài phút rồi tắt bếp.
- Múc ra chén, cho bé thưởng thức khi còn ấm.
2.6. Cháo mực khoai lang cho bé
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mực tươi: 30g
- Khoai lang: 20g
- Cháo trắng: 1 chén
- Gia vị vừa đủ dùng
- 1 ít hành tím băm
- Dụng cụ: Dao, nồi, tô, xửng hấp,…
Cách thực hiện
- Khoai lang gọt vỏ, thái miếng, đem hấp chín.
- Mực mua về bỏ mắt, răng, nội tạng, sơ chế sạch, thái nhỏ.
- Bắc nồi lên bếp, phi hành thơm rồi cho mực vào xào nhanh với lửa to. Như vậy mực chín mà không bị mất nước và dai.
- Cho mực và khoai lang vào máy xay xay nhỏ hoặc nhuyễn tùy theo khả năng ăn thô của trẻ.
- Cháo cho vào nồi đun sôi, đổ hỗn hợp vừa xay vào khuấy đều. Nêm gia vị vừa miệng bé. Cháo sôi kĩ thì tắt bếp, nhắc xuống, cho dầu ăn vào trộn đều.
2.7. Cháo mực nấu với cà rốt
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mực tươi: 10g
- Cà rốt: 1 củ
- Gạo ngon: 1 chén
- Rau thì là, hành củ
- Dầu ô liu hoặc dầu ăn trẻ em
- Gia vị
- Dụng cụ: Dao, nồi, tô, thớt, máy xay sinh tố,…
Cách thực hiện
Sơ chế mực và rau củ
- Mực tươi lột bỏ lớp màng bên ngoài. Dùng dao rạch bụng, bỏ nội tạng. Bóp sơ với muối và rượu trắng rồi rửa sạch bằng nước lạnh.
- Thái mực thành miếng nhỏ vừa ăn cho vào tô ướp cùng 1 chút gia vị, nước mắm.
- Hành củ bóc vỏ, băm nhuyễn, phi thơm, vớt ra tô để riêng.
- Để nguyên chảo cho mực vào đảo nhanh tay với ngọn lửa to để mực không tiết hết nước ngọt.
- Cà rốt, nạo vỏ, rửa sạch, luộc chín mềm vừa phải.
- Thì là rửa sạch, thái nhỏ.
- Băm nhỏ hoặc cho mực và cà rốt vào máy xay xay nhuyễn. Cho thêm một ít nước luộc cà rốt vào để hỗn hợp có độ sánh sệt vừa phải.
Nấu cháo
- Đun sôi cháo trắng trên bếp, cho hỗn hợp mực, cà rốt vừa xay vào khuấy đều, nêm gia vị vừa ăn.
- Cho 1 muỗng dầu ô liu hoặc dầu ăn cho trẻ để bé hấp thu tối đa các dưỡng chất.
- Cho thì là vào, tắt bếp, múc cháo ra cho bé thưởng thức.
Xem thêm:
- Con ghẹ – Loài hải sản có giá trị dinh dưỡng vô cùng lớn
- Cua biển – Món quà chứa nhiều dinh dưỡng đến từ biển cả
3. Lưu ý cần biết khi nấu cháo mực cho bé
3.1. Liều lượng
Mặc dù cháo mực rất ngon nhưng tuỳ theo tháng tuổi mà lượng ăn mỗi bữa khác nhau:
- Trẻ 7 – 12 tháng: Mỗi bữa có thể ăn 20 – 30g mực nấu với cháo, ăn 1 – 2 bữa/tuần.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: Mỗi bữa ăn 30 – 40g mực nấu cùng cháo, bún, mì,…
- Trẻ từ 4 tuổi trở lên: có thể ăn 1 – 2 bữa mực/tuần, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt mực.
Mực nói riêng và hải sản nói chung cần ăn với liều lượng vừa phải
3.2. Lưu ý khi chế biến
- Khi chọn mua mực tươi các mẹ nên chọn con có phần thân màu nâu sậm (đối với mực ống) hoặc con có phần thân màu trắng đục (đối với mực nang), màu sắc sáng bóng. Dùng tay ấn vào thân mực thấy độ săn chắc và đàn hồi. Các bộ phận của mực dính chặt nhau, mắt trong và sáng.
- Cháo mực nên cho bé dùng khi còn nóng. Tránh để nguội vì như vậy khi ăn sẽ mất ngon.
- Dùng rượu trắng, giấm ăn để sơ chế mực sẽ giảm bớt mùi tanh.
- Rang gạo hoặc ngâm gạo 30 phút trước khi nấu cháo mực cho bé sẽ nhanh nhừ hơn.
- Với những bé dưới 12 tháng tuổi, khi nấu cháo không cần cho thêm mắm, muối hay nhiều gia vị.
- Mực chứa rất nhiều đạm nên các mẹ chỉ nên cho bé ăn từ tháng thứ 7 trở đi là tốt nhất.
- Nên nhớ là cho ăn từ từ ít một để bé thích nghi dần.
- Với những trẻ có cơ địa dị ứng thì các mẹ cần thận trọng hơn.
Trên đây là một số gợi ý về cách cháo mực cho bé. Các mẹ hãy tham khảo và áp dụng để món cháo mực cho bé trở nên thơm ngon và bổ dưỡng hơn nhé
Tổng hợp: haisanaz.net